Lao | |
---|---|
Ảnh X quang ngực của một bệnh nhân lao thể nặng: các mũi tên màu trắng chỉ nhiễm khuẩn ở cả hai phổi, các mũi tên màu đen chỉ sự hình thành của một khoang | |
Chuyên khoa | Bệnh truyền nhiễm, phổi học |
Triệu chứng | Ho dai dẳng, sốt, ho kèm dịch nhầy chứa máu, sụt cân[1] |
Nguyên nhân | Mycobacterium tuberculosis[1] |
Yếu tố nguy cơ | Hút thuốc, HIV/AIDS[1] |
Phương pháp chẩn đoán | X quang ngực, nuôi cấy, xét nghiệm da tuberculin[1] |
Chẩn đoán phân biệt | Viêm phổi, histoplasmosis, sarcoidosis, coccidioidomycosis[2] |
Điều trị | Kháng sinh[1] |
Tần suất | 25% dân số (lao tiềm ẩn)[3] |
Patient UK | Lao |
Lao (Tiếng Anh: tuberculosis) là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thường do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra.[1] Bệnh chủ yếu tác động đến phổi nhưng cũng có thể đến những bộ phận khác của cơ thể.[1] Đa số trường hợp mắc lao không biểu hiện triệu chứng, gọi là lao tiềm ẩn.[1] Khoảng 10% ca lao tiềm ẩn tiến triển thành lao hoạt tính mà nếu không chữa trị sẽ khiến khoảng một nửa số bệnh nhân tử vong.[1] Triệu chứng điển hình của lao hoạt tính là ho dai dẳng kèm dịch nhầy chứa máu, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân.[1] Nếu các cơ quan khác bị nhiễm khuẩn thì triệu chứng sẽ đa dạng hơn.[4]
Lao lây truyền từ người sang người qua không khí khi người bệnh lao hoạt tính ho, khạc nhổ, nói, hay hắt hơi.[1][5] Người mang lao tiềm ẩn không làm bệnh lây lan.[1] Lao hoạt tính thường xảy ra hơn ở người hút thuốc và mắc HIV/AIDS.[1] Cách thức chẩn đoán lao hoạt tính là X quang ngực, cấy dịch cơ thể và khám nghiệm vi mô.[6] Xét nghiệm Mantoux hay xét nghiệm máu giúp chẩn đoán lao tiềm ẩn.[6]
Cách thức phòng bệnh bao gồm tầm soát đối với người nguy cơ cao, phát hiện và điều trị sớm, chủng ngừa bằng vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin).[7][8][9] Người nguy cơ cao là người ở chung nhà, nơi làm việc, và tiếp xúc xã hội với bệnh nhân lao hoạt tính.[8] Chữa trị đòi hỏi sử dụng nhiều loại kháng sinh trong thời gian dài.[1] Tình trạng kháng kháng sinh đang ngày một trở nên đáng lo ngại với tỷ lệ lao đa kháng và lao siêu kháng tăng.[1]
Vào năm 2018 khoảng một phần tư dân số thế giới được cho là mắc lao tiềm ẩn.[3] Mỗi năm có thêm khoảng 1% dân số mắc bệnh.[10] Trong năm 2018 có hơn 10 triệu người bị lao hoạt tính trong đó 1,5 triệu người tử vong,[11] con số khiến lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu.[12] Căn bệnh xuất hiện chủ yếu ở Đông Nam Á (44%), châu Phi (24%), Tây Thái Bình Dương (18%) với hơn 50% ca được chẩn đoán ở tám quốc gia là Ấn Độ (27%), Trung Quốc (9%), Indonesia (8%), Philippines (6%), Pakistan (6%), Nigeria (4%), và Bangladesh (4%).[12] Số ca mắc mới mỗi năm đã giảm kể từ năm 2000.[1] Khoảng 80% dân số ở nhiều nước châu Á, châu Phi xét nghiệm tuberculin dương tính còn với người dân Hoa Kỳ chỉ là 5–10%.[13] Bệnh lao đã có ở người từ thời cổ đại.[14]